Biên tập lại cuộc đời

Bởi những năm tháng đã đi qua, bởi những mối quan hệ đã chẳng còn đủ ấm, bởi những cơm áo gạo tiền và những cuộc chạy đua với deadline hay những ước mơ đã bị biến dạng… Bởi bạn là Cáo và bạn cần phải sống gọn lại để có thể đi xa hơn, làm được nhiều hơn những gì mà bạn đang theo đuổi…

HÃY BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG SỐ ĐIỆN THOẠI

Ý định biên tập lại cuộc đời của tôi bắt nguồn từ việc danh bạ điện thoại của tôi bị đầy. Một buổi sáng, trong một quán cà phê nhỏ, tôi bắt đầu công việc biên tập cuộc đời của tôi bằng việc biên tập lại các mối quan hệ. Những số điện thoại đến 10 năm rồi chưa gọi và cả những số điện thoại chỉ để lưu cho đúng phép lịch sự xã giao. Những con người mà nếu gọi điện, tôi cũng sẽ chẳng biết nên nói gì với họ bởi giữa chúng tôi đã chẳng còn điểm nào chung. Những người tình đã cũ và không bao giờ muốn nhận điện thoại từ tôi nữa. Những mối quan hệ đã hoàn tất và kết thúc. Và nhiều nhất là những số điện thoại từ những cái tên mà tôi chẳng có một tí xíu nào ấn tượng cả. Tại sao bạn phải giữ lại những mối quan hệ như vậy? Tại sao bạn không thể quên đi nhiều người không cần nhớ để nhớ thêm nhiều về người mà bạn không thể quên? Biên tập lại các mối quan hệ qua danh bạ điện thoại của chính bạn là cách để bạn xóa bớt những rắc rối, phiền phức cũng như “bộ nhớ” vốn đã quá tải của bạn. Tôi không nghĩ một cô gái có 5.000 số điện thoại lưu trong máy là một cô gái quảng giao hơn những cô gái chỉ có 50 số điện thoại cả. Việc biên tập danh bạ điện thoại khiến tôi mất đứt đi một buổi sáng bởi nó không chỉ là xóa đi những cái tên và những dãy số mà nó còn là việc sắp xếp- kiểm kê và đóng dấu kiểm định chất lượng lại một lần nữa cho những mối quan hệ của mình. Tôi không phản đối việc bạn lưu giữ số của anh A- trưởng phòng xuất nhập khẩu cảng X để đề phòng lúc bạn muốn nhờ vả gì đó. Song việc giữ lại số của anh ta không có nghĩa là tôi phải học cách thơn thớt nói cười, giả lả hoặc chấp nhận để anh ta cầm tay, vuốt tóc, động một cái, chạm hai cái khi tôi cần nhờ vả sau này. Xin lỗi, tôi chẳng phải là một món hàng dùng để đổi chác. Thế nên tôi sẽ xóa anh ta ra khỏi danh bạ của mình và sẵn sàng thêm vào danh bạ một cái tên người khác- người có thể tôn trọng tôi và để tôi tôn trọng trở lại. Tôi cũng không phản đối việc bạn lưu luyến một số điện thoại tình cũ bởi lòng bạn còn chun chút thương yêu. Song tôi cũng sẽ tự hỏi mình rằng nếu bạn gái cũ của bạn trai tôi vẫn thi thoảng gọi điện à ơi với bạn trai mình thì tôi sẽ thế nào? Tôi xóa anh ta khỏi danh bạ, ít ra là vậy, giữ lại ký ức về anh ta, một chút, đủ để làm nên một bí mật nho nhỏ về một thời tôi đã từng đi qua. Tất nhiên, nếu nó không khiến hạnh phúc hiện nay của tôi có nguy cơ sứt mẻ. Bạn biết rồi đấy, phụ nữ tụi mình vốn không tỉnh táo và lý trí được đâu.

ĐẾN NHỮNG MỐI BẬN TÂM

Biên tập một danh bạ điện thoại khiến tôi mất nhiều thời gian hơn tôi tưởng. Buổi chiều muộn, ngồi lại trong văn phòng khi các đồng nghiệp đã về hết, tôi bắt đầu công việc biên tập lại những mối bận tâm mà hằng ngày tôi vẫn phải đương đầu với nó. Tôi luôn tự hỏi mình: Lý do nào khiến tôi phải bận tâm cho nó? Tuổi 30 gần kề mà chưa lập gia đình? Một công việc không quá nhàm chán nhưng cũng chẳng có nhiều hấp dẫn? Hay cơ thể của tôi thật không khiến tôi tự tin cho lắm (cái hông quá lớn hoặc cái đùi quá mập chẳng hạn)? Hoặc có thể giống như cô bạn tôi- luôn phải bận tâm về việc làm sao để gìn giữ cuộc hôn nhân của cô ấy khi mà công ty của anh chồng liên quan đến rất nhiều các em người mẫu bay như bướm và thơm như hoa? Nào, hãy gạch đầu dòng ra những mối bận tâm của bạn, như tôi lúc này, và quyết định gạch từng mối bận tâm mà bạn cho rằng nó khiến cuộc đời bạn trở nên bận bịu một cách quá đáng.

Cuộc đời của mỗi người thực sự là có bao nhiêu mối bận tâm không thể từ chối được, không thể bỏ qua được? Chúng ta có quá nhiều những lý do để giữ lại những mối bận tâm nhưng lý do nào là thật và lý do nào là do ta nguỵ tạo ra nó vì những điều khác nữa? Chẳng hạn việc hằng ngày vào Facebook của bạn trai cũ hoặc Facebook bạn gái cũ của bạn trai hiện tại của mình? Liệu nó có phải là mối bận tâm đáng bị biên tập không? Quá khứ của một ai đó hay là của chính bạn đi chăng nữa đều không có nhiều giá trị cho hiện tại và tương lai đâu. Rồi bạn tiếp tục bận tâm với những đồng nghiệp đang chạy đua với bạn, họ dùng nhiều tiểu xảo hay các sếp của bạn thì “đầu đất” nên không nhận ra năng lực của bạn cao hơn đồng nghiệp của bạn? Vẫn biết là biết người biết ta trăm trận trăm thắng song cái sự biết người nhiều hơn biết chính bản thân ta sẽ khiến cho bạn bận tâm gấp nhiều lần đấy! Hãy delete nó đi bởi việc cần làm trong các cuộc đua không phải là mạnh hơn ai, nhanh hơn ai mà chính là mạnh hơn mình, nhanh hơn mình.

Tôi nghĩ rằng người ta có thể sống gọn hơn rất nhiều nếu như người ta không có quá nhiều những mối bận tâm không đáng có. Tức là khi chúng ta chỉ tập trung vào số mối bận tâm giới hạn và chính đáng. Ví dụ như bận tâm về sức khoẻ không phải là đi đọc hết bài báo về sức khoẻ hoặc điên cuồng sưu tập các bài thuốc, chỉ dẫn, tư vấn về sức khoẻ. Từ thực dưỡng đến thể dục dưỡng sinh, từ nội dược đến thuốc quý rồi trở thành tín đồ vitamin, từ tập thiền, khí đến aerobic… Từ tư tưởng phương Đông sang quan niệm phương Tây, từ thuốc Nam đến thuốc Bắc… Hay những bận tâm về công việc không có nghĩa là bên này trả bao nhiêu, bên kia trả bao nhiêu, vị trí này thế nào, đồng nghiệp nọ ra sao? Biên tập lại các mối bận tâm sẽ khiến bạn tập trung hơn cho những mục đích rõ ràng. Và chắc chắn, bạn không chỉ thoải mái đầu óc hơn mà còn tiệm cận thành công nhanh hơn. Để rời khỏi cơ quan, bạn vẫn là một cô gái tuyệt vời. Để tận hưởng trọn vẹn mỗi không gian sống, khoảnh khắc sống cũng như đoạn cuộc đời mà bạn đang qua.

VÀ KHÔNG THỂ THIẾU: THÁI ĐỘ SỐNG!

Buổi tối ấy, trước khi đi ngủ, như mọi khi, tôi nằm kiểm lại những sự kiện tôi đã trải qua trong ngày. Có những sự kiện vui, có những tình huống khó chịu, lại có những vấn đề hóc búa chưa trả lời được. Và tệ nhất, cảm xúc của tôi liên tục thăng giáng theo mỗi sự kiện. Điều đó khiến tôi dễ mất ngủ nếu như có một sự kiện nào đó không được tốt cho lắm. Nghĩ rộng ra, tôi thấy bản thân mình đôi khi để cảm xúc khiến cho cuộc sống trở nên rườm rà vô cùng. Là sự khó chịu về cô đồng nghiệp điệu đà hơi tí là thắc mắc, ý kiến biến cả phòng của bạn thành một gameshow mà cô ta đóng vai trò “host”. Hay một cô bạn rất xấu tính lúc nào cũng rình mò xem tôi có đồ mới nào là cô ta cũng sẽ có ngay một bộ y hệt. Đôi khi cũng lại là một anh chàng đồng nghiệp thường ngày vẫn chọc ghẹo tôi vậy mà mấy hôm nay cứ tít mắt lên với cô nhân viên mới. Đấy là chưa kể những điều không thích lặt vặt khác trong cuộc sống. Tôi phát hiện ra rằng mình cần phải biên tập cái- sự- không- thích của mình. Không phải là để thích những điều đã không thích mà là biết vô tâm- vô cảm với những gì nằm ngoài phạm trù yêu mến của mình. Nó không phải là cái cách chúng ta thờ ơ với cuộc sống, đánh mất đi kỹ năng phản biện, kỹ năng thể hiện cảm xúc của bản thân. Mà chỉ đơn giản là hãy ngưng bày tỏ thái độ với sở thích của người khác. Bạn có thể không thích điều gì đó nhưng không nhất thiết người khác cũng phải không được thích nó. Sở thích, quan điểm sống, suy nghĩ và cả cách hành xử của ai đó là của họ và họ chịu trách nhiệm với chúng chứ không phải là của bạn, và bạn cũng không phải chịu trách nhiệm về điều đó. Thế nên, biên tập thái độ sống là phải ngưng ngay thói quen chỉ trích, phán xét hay kết luận những vấn đề không thuộc phạm trù trách nhiệm của mình. Kể cả khi nhân danh bạn thân, đồng nghiệp, cấp trên hay bất cứ một mối quan hệ nào khác. Bạn chỉ nên bày tỏ riêng cùng họ khi họ yêu cầu, họ muốn. Việc biên tập này sẽ giúp bạn có được những cảm xúc lành mạnh hơn, an toàn hơn và chính xác hơn.

Một thái độ sống nữa cần phải biên tập đó là sự yêu ghét, lòng hận thù hay sự hâm mộ thái quá! Đó là đặc tính của tuổi mới lớn chứ không thuộc về người đã trưởng thành. Thù ghét một ai đó sẽ khiến bạn luôn bực mình khó chịu. Tức giận một ai đó đã không làm theo ý bạn chỉ khiến cho cuộc đời của bạn là những ức chế bất tận. Tôi không nói đến việc chúng ta thù ghét những kẻ đã thủ ác như Lê Văn Luyện hay Nguyễn Đức Nghĩa. Tôi đang nói đến việc chúng ta thù ghét một ai đó chỉ vì họ đã chơi xấu bạn, làm bạn tổn thương… Bởi sự thù ghét ấy sẽ khiến bạn không quên đi được những điều bạn đã tổn thương. Và tất nhiên, việc bạn thù ghét họ không khiến cho họ tệ đi mà chỉ khiến cho chính bạn bị tệ đi. Còn về yêu, những tình yêu không đúng cách cũng sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên rối rắm. Như dành sự yêu thương đến những người đã không trân trọng tình cảm của bạn. Như vì yêu thương một ai đó mà bạn luôn muốn họ hoàn hảo hơn, bạn áp đặt, đòi hỏi và mong mỏi ở họ nhiều hơn mức mà họ có thể làm được. Khi ấy, yêu thương trở thành áp lực với không chỉ họ mà còn cả cho bạn nữa.

KHÉP ĐỂ MỞ

Biên tập lại cuộc đời hãy bắt đầu bằng việc kiểm kê lại cuộc đời, lên danh sách những mục tiêu, cắt gọt những thứ đã không cần đến nữa, chọn thái độ sống, tiếp thêm những hy vọng, tăng hoặc giảm những đòi hỏi… Để kết quả cuối cùng của sống gọn là thấy ĐỦ, biết ĐỦ.

Biên tập lại cuộc đời chính là việc tập trung cho những giá trị cuộc sống đích thực của bạn chứ không phải sống phụ thuộc vào cảm xúc, cái nhíu mày của người khác. Sống kiễng chân. Sống đời kẻ khác. Biên tập lại cuộc đời để có thể sống được trọn vẹn với mỗi ngày được sống. Bởi cuộc đời đó, có bao lâu, mà… luẩn quẩn mãi.

Tôi đang bắt đầu và vẫn biên tập cuộc sống của tôi mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, mỗi đoạn đường tuổi trẻ của tôi. Còn bạn? Bạn đã bắt đầu thử biên tập lại cuộc đời bạn chưa?

Hà Nội tháng 10/2011

HOÀNG ANH TÚ (2! ĐẸP số 43)

Leave a comment